Sinh viên khởi nghiệp: “không thành công cũng thành nhân”

Khởi nghiệp từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học là lựa chọn của không ít bạn trẻ hiện nay với mong muốn thể hiện bản thân, thể hiện sức trẻ và khát vọng làm giàu. Tuy không phải ai cũng thành công ngay từ startup đầu tiên, nhưng ngay cả khi bạn thất bại thì “đây vẫn thực sự là bài học quý giá mà không có ở bất kỳ trường học nào” – đó là chia sẻ của bạn Phạm Minh Dự.

Thực tế không phải “màu hồng”

Thành lập tháng 3/2017, startup Tranh nội thất Igula vào thời điểm đó đạt doanh số khá ổn định 50 triệu đồng/tháng, dường như là niềm mơ ước của không ít startup sinh viên khởi nghiệp. Trưởng nhóm startup Igula, Phạm Minh Dự, khiêm tốn chia sẻ: “Cũng không dám gọi là Startup to tát gì. Nhóm của chúng em khi đó không phải là đơn vị sản xuất, mà chỉ nhập sản phẩm từ 1 xưởng và tìm đầu ra cho nó. Nhóm có 4 thành viên, gồm: 1 điều hành, 1 marketing, 1 kinh doanh, 1 IT. Các công việc được phân chia theo sở trường của mỗi người”. Dự cho biết nhóm đã tìm hiểu sản phẩm và nghiên cứu thị trường rất kỹ trước khi bắt tay vào việc; và chọn kinh doanh sản phẩm đó vì nó là sản phẩm mới ở thị trường Hà Nội, đối thủ cạnh tranh chưa nhiều, đồng thời người trưởng nhóm cũng có nhiều kiến thức và hiểu biết về nó.

Với sự tự tin vào những hiểu biết về sản phẩm, về thị trường, với bản lĩnh tuổi trẻ của những sinh viên năng động, nhóm Igula đã bắt đầu startup khởi nghiệp của mình như thế. Tuy nhiên, khó khăn đầu tiên và lớn nhất mà các bạn gặp phải ngay khi mới bắt tay vào làm là vấn đề tài chính. Để tạo nhu cầu cho người dùng, chi phí quảng cáo cũng như marketing đều là những khoản tốn kém lớn. Ngoài ra nhân sự cũng là vấn đề không nhỏ. Nhân sự mỏng, không có tiền thuê nên mọi người trong nhóm đều phải làm việc gần như 24/24. “Kỷ niệm đáng nhớ với cả nhóm có lẽ là 3 ngày liền chỉ ngủ 3h/ngày, và ăn mỳ tôm để làm việc”, Dự chia sẻ. “Khi bắt tay vào làm thực tế mới thấy không còn là ý tưởng màu hồng nữa, những cuộc tranh cãi nảy lửa bắt đầu nổ ra, về đủ mọi vấn đề…”

Khi vấp phải những khó khăn thực tế ấy, cả nhóm đã phải nhiều lần cùng ngồi lại tìm cách tháo gỡ. Về tài chính, để giảm thiểu chi phí, nhóm chọn những hình thức Marketing không tốn nhiều chi phí như: phát tờ rơi, tặng voucher, tiếp cận khách hàng qua các mạng xã hội, liên kết với những khách hàng là chủ các quán cafe, tuyển cộng tác viên, đại lý. Với ưu thế của thành viên phụ trách IT là sinh viên CNTT thì kỹ thuật SEO Web thủ công cũng giúp ích nhóm khá nhiều trong việc tiếp cận khách hàng qua các công cụ tìm kiếm trên mạng. Ngoài ra các chi phí mặt bằng, trang thiết bị cũng được cắt giảm tối đa.

Nhóm cũng giải quyết vấn đề thiếu nhân sự bằng cách làm thêm giờ, thuê sinh viên làm partime, đồng thời tối ưu hoá sản phẩm để giảm nhân công. Chẳng hạn, cung cấp sản phẩm tranh dán tường cần người thi công, mà chi phí thuê lại đắt, nên nhóm đã tối ưu sản phẩm để khách hàng có thể tự thi công ở nhà. Cụ thể, nhóm pha sẵn keo dán, gửi các video hướng dẫn tự thi công một cách đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện,…

Igula cũng có được điểm thuận lợi là khi bắt đầu trùng với khoảng thời gian mọi người sửa nhà nhiều, thời tiết ủng hộ nên nhu cầu người dùng khá ổn định. Chính nhờ những nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm, Igula đã dần khẳng định được mình và có doanh thu tương đối, khoảng 50 triệu đồng/tháng. “Đổi lại những khó khăn, những đêm không ngủ, những bữa ăn chỉ có mỳ tôm, vừa làm vừa ăn, đổi lại những cuộc tranh cãi nảy lửa để tìm hướng đi,… cảm giác nhận được tiền từ khách hàng đầu tiên thực sự tuyệt vời”, Dự cho biết.

Bài học quý từ sự thất bại

Dự cho biết sau 6 tháng hoạt động và duy trì doanh số ổn định, nhóm startup Igula buộc phải nói lời chia tay. Nguyên nhân chính dẫn đến sự tan rã của nhóm là vì sự mâu thuẫn giữa các thành viên khi sau 6 tháng hoạt động doanh số vẫn dậm chân ở mức trung bình. Sau khi trừ chi phí, mọi người cảm thấy công sức bỏ ra không được nhận lại xứng đáng. Có thành viên cho rằng: “Số tiền mỗi người kiếm được còn không bằng tiền lương đi làm thuê”.

Nguyên nhân thứ hai, nhưng cũng chính là gốc rễ của vấn đề, đó là chi phí để đầu tư thêm không có, dẫn đến các hình thức marketing không được đổi mới, các hình thức “không tốn chi phí” gần như không mang lại hiệu quả. Ngoài ra sau 6 tháng, sự phát triển của các đối thủ cạnh tranh ngày càng lớn, đặc biệt từ các đơn vị có dây chuyền sản xuất khiến cho sản phẩm của họ có giá thành rẻ hơn.

Tuy thất bại nhưng trưởng nhóm startup Phạm Minh Dự cho rằng đây thực sự là bài học quý giá dành cho toàn bộ thành viên trong nhóm, những bài học mà bạn không được học ở bất kỳ trường lớp nào. “Cá nhân em nhận ra, dù ở trường học bạn có tài giỏi đến đâu thì ở trường đời bạn vẫn không thể lường trước được những gì có thể xảy ra. Nhất là khi bạn đứng đầu một kế hoạch kinh doanh”, Dự chia sẻ.

Khi được hỏi về lời khuyên cho các thế hệ sinh viên đàn em, những người mong muốn khởi nghiệp từ khi còn đi học, Dự chia sẻ khá cởi mở. Bạn bảo, không dám gọi là lời khuyên, mà chỉ là những gì bạn rút ra sau thất bại này:

  • Thứ nhất, đừng nghe ai đó nói là khởi nghiệp không cần tiền. Ngược lại, tài chính là yếu tố cực kỳ quan trọng khi bạn muốn kinh doanh bất cứ sản phẩm dịch vụ gì.
  • Ngoài tài chính, nhân sự cũng là điều cần quan tâm. Nhân sự bao gồm trí lực và nhân lực. Bạn cần xem xét kỹ lưỡng khả năng của bạn và nhóm khởi nghiệm như thế nào.
  • Thứ ba là kỷ luật. Khi bắt đầu kinh doanh riêng, bạn gián tiếp trở thành “ông chủ”. Bạn đừng nghĩ lúc đó không ai quản lý mình. Đừng để mất tính kỷ luật, cho dù bạn có thành công đến đâu.
  • Cuối cùng, dù thành công hay thất bại từ startup khởi nghiệp đầu tiên thì cũng đừng chán nản, người ta có thể nhìn bạn với ánh mắt khinh thường. Họ nghĩ bạn bất tài nhưng họ sẽ mãi không biết những gì bạn đã trải qua.
Rate this post
Đăng ký tư vấn
Zalo
Zalo me
Facebook Messenger